Tiền thân của Trường Đại học Điện lực là Trường Kỹ nghệ Thực hành được thành lập năm 1898. Sau đó Trường được tách thành Trường Kỹ thuật I và trường Kỹ thuật II. Tháng 8/1962, Trường Kỹ thuật I đổi tên thành Trường Trung Cao Cơ điện và đến ngày 08/02/1966, Bộ Công nghiệp nặng quyết định tách Trường Trung Cao Cơ điện thành Trường Trung học Kỹ thuật Điện và trường Trung học Cơ khí. Đến tháng 7/1997, Bộ Công nghiệp quyết định đổi tên thành trường Trung học Điện 1. Tháng 04/2000, Bộ Công nghiệp quyết định hợp nhất Trường Trung học Điện 1 và Trường Bồi dưỡng Tại chức thành Trường Trung học Điện 1 thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam). Ngày 26/10/2001, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định thành lập Trường Cao đẳng Điện lực trên cơ sở Trường Trung học Điện 1; sau 5 năm xây dựng và phát triển, ngày 19/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Trường Đại học Điện lực trên cơ sở Trường Cao đẳng Điện lực. Thực hiện Nghị quyết 77 NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ chế đào tạo, trên cơ sở nhiều năm liên tục tự chủ về kinh phí trong các hoạt động của Trường; ngày 01/9/2015 Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1508/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Điện lực giai đoạn 2015 – 2017; ngày 24/9/2015, Bộ trưởng Bộ Công Thương ký quyết định số 10268/QĐ-BCT về việc chuyển Trường Đại học Điện lực trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam về trực thuộc Bộ Công Thương.
Trường Đại học Điện lực là một trường đại học công lập đa cấp, đa ngành có nhiệm vụ chủ yếu là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cung cấp cho Ngành và phục vụ nhu cầu kinh tế xã hội đồng thời là một trung tâm nghiên cứu khoa học - công nghệ hàng đầu của Ngành.
1. Đào tạo
Trường Đại học Điện lực hiện có 19 ngành đào tạo đại học đại trà, 7 ngành đào tạo tiến sĩ, 10 ngành đào tạo thạc sĩ với quy mô hơn 15.000 sinh viên.
2. Nghiên cứu Khoa học
Trên cơ sở lấy chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) gắn kết với thực tiễn sản xuất, trường Đại học Điện lực luôn thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách hàng và thực tiễn đặt ra. Các lĩnh vực nghiên cứu thuộc thế mạnh của trường bao gồm: Các hệ thống kỹ thuật trong các nhà máy điện (thủy điện, nhiệt điện, điện hạt nhân, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, điện rác thải), trạm điện và đường dây truyền tải điện; các bộ phận và hệ thống nhiệt-lạnh (như lò hơi, lò quay, máy lạnh, tuabin nhiệt, bơm nhiệt , mạng nhiệt); các hệ thống đo lường, điều khiển, bảo vệ, giám sát và truyền tin trên diện rộng; các vấn đề liên quan đến cơ khí, chế tạo và xây dựng điện....
Nhiều năm qua trường đã nghiên cứu hàng trăm đề tài các cấp như: cấp Trường, cấp EVN, cấp Bộ Công Thương, cấp Sở Khoa học và Công nghệ, cấp Nhà nước. Các kết quả nghiên cứu đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị phát triển khoa học và ứng dụng trong thực tế cao. Đại diện cho các sản phẩm nghiên cứu đó là thương phẩm công tơ điện tử, dàn nước nóng năng lượng mặt trời, lưới điện thông minh, máy tạo dòng 4000A, hợp bộ thí nghiệm Vôn-Ampe, máy bắn bóng bàn,... Bên cạnh các kết quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng, các nhà khoa học của trường còn công bố các kết quả đó trong hàng trăm bài báo đăng trên các tạp chí uy tín ở trong và ngoài nước.
3. Hợp tác Quốc tế
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển hợp tác đào tạo quốc tế, Nhà trường đã thực hiện các hoạt động hợp tác liên kết đào tạo với các đối tác nước ngoài như Viện Grenoble, Đại học Khoa học và Công nghệ (Pháp), Đại học Deakin, Đại học Curtin, Học viện Chisholm (Úc), Đại học Bách khoa Prague (Séc), Đại học Palermo (Ý), Đại học Fukui, Đại học Nagaoka (Nhật Bản), Đại học Điện lực Thượng Hải (Trung Quốc), Đại học Bách khoa Quế Lâm, Đại học Khoa học Kỹ thuật Điện tử Thành Đô (Trung Quốc), UNITEN (Malaysia), Đại học Năng lượng Quốc gia Kazan (Nga), Hiệp hội Kiểm toán Công chứng Anh (Vương quốc Anh)…
4. Nhân lực
Nhà trường hiện có 491 cán bộ viên chức lao động, trong đó có 4 Giáo sư, 26 Phó Giáo sư, 125 Tiến sĩ, và 246 Thạc sỹ. 100% giảng viên của Nhà trường đạt trình độ chuẩn theo quy định, được bố trí giảng dạy đúng chuyên môn đào tạo. Hiện nay, mỗi chuyên ngành đào tạo đều có đủ giảng viên có trình độ tiến sĩ chuyên ngành và trình độ thạc sỹ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Cơ sở vật chất
Trường có 2 cơ sở đào tạo:
- Cơ sở 1 tại 235 Hoàng Quốc Việt – quận Bắc Từ Liêm – TP. Hà Nội
- Cơ sở 2 tại xã Tân Minh – Sóc Sơn – Hà Nội
Hiện nay, Nhà trường có 62 phòng thí nghiệm, thực hành được trang bị các thiết bị hiện đại và 01 khu thực tập đường dây, trạm biến áp với diện tích 10.424 m2 với đầy đủ các tuyến đường dây từ 0,4kV đến 500kV đủ phục vụ cho tất cả các chuyên ngành như hệ thống điện, nhiệt điện, thuỷ điện, tự động hóa, điện tử viễn thông... Nhà trường đã đầu tư xây dựng 131 phòng học lý thuyết với diện tích 17.602 m2 trong đó được trang bị đầy đủ các thiết bị như máy chiếu, âm thanh và 01 thư viện điện tử với trên 13.000 đầu sách và rất nhiều đầu sách sách điện tử đã đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của CB GV và HSSV.
Tên ngành | Học phí | Chỉ tiêu | Phương thức xét tuyển | Tổ hợp | Điểm chuẩn 2024 | Ghi chú |
---|---|---|---|---|---|---|
No data |