1. Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế của Bộ GD&ĐT
Xét tuyển thẳng
(1) Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc được tuyển thẳng vào các nhóm ngành/ngành, chương trình do đơn vị đào tạo quy định.
(2) Thí sinh đạt thành tích cao trong các kỳ thi, cuộc thi, giải đấu cấp quốc gia hoặc quốc tế, do Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cử tham gia, được xét tuyển thẳng trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc tốt nghiệp trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật) vào các ngành phù hợp với môn thi, nội dung đề tài hoặc nghề dự thi, thi đấu, đoạt giải; cụ thể trong các trường hợp sau:
- Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, quốc tế hoặc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế do Bộ GD&ĐT tổ chức, cử tham gia; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng;
- Thí sinh đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc, mỹ thuật được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận; thời gian đoạt giải không quá 4 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng;
- Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba trong các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cử đi; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển thẳng;
(3) Thủ trưởng đơn vị đào tạo căn cứ kết quả học tập cấp THPT của thí sinh và yêu cầu của ngành đào tạo để xem xét, quyết định nhận vào học những trường hợp quy định dưới đây (trường hợp cần thiết kèm theo điều kiện thí sinh phải học 01 năm bổ sung kiến thức trước khi vào học chính thức):
- Thí sinh là người khuyết tật đặc biệt nặng có giấy xác nhận khuyết tật của cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định, có khả năng theo học một ngành do đơn vị đào tạo quy định nhưng không có khả năng dự tuyển theo phương thức tuyển sinh bình thường;
- Thí sinh là người dân tộc thiểu số rất ít người theo quy định hiện hành của Chính phủ và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Bắc Bộ;
- Thí sinh có nơi thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo nơi thường trú) theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;
- Thí sinh là người nước ngoài có kết quả kiểm tra kiến thức và năng lực Tiếng Việt hoặc năng lực ngoại ngữ đáp ứng quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và của ĐHQGHN
- Thí sinh là người Việt Nam đã tốt nghiệp THPT hoặc tương đương ở nước ngoài có kết quả học tập 3 môn học bậc THPT theo tổ hợp môn xét tuyển tương ứng của ngành để học kết hợp với kiểm tra kiến thức chuyên môn và năng lực Tiếng Việt hoặc năng lực ngoại ngữ (tùy theo yêu cầu của ngành học để xét tuyển) đáp ứng quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT và của ĐHQGHN.
Ưu tiên xét tuyển
(1) Thí sinh quy định tại khoản 1, 2 Điều này dự tuyển vào các ngành theo nguyện vọng (không dùng quyền ưu tiên tuyển thẳng);
(2) Thí sinh đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; thí sinh đoạt giải tư trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dự tuyển vào ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi đã đoạt giải; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển;
(3) Thí sinh đoạt huy chương vàng, bạc, đồng các giải thể dục thể thao cấp quốc gia tổ chức một lần trong năm và thí sinh được Tổng cục Thể dục thể thao có quyết định công nhận là kiện tướng quốc gia dự tuyển vào các ngành thể dục thể thao phù hợp; thời gian đoạt giải không quá 4 năm tính tới thời điểm xét tuyển;
(4) Thí sinh đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp chính thức toàn quốc về ca, múa, nhạc, mỹ thuật dự tuyển vào các ngành nghệ thuật phù hợp; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển;
(5) Thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba tại các kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN và thi tay nghề quốc tế dự tuyển vào các ngành phù hợp với nghề đã đoạt giải; thời gian đoạt giải không quá 3 năm tính tới thời điểm xét tuyển.
(6) Ưu tiên xét tuyển thí sinh khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ: thí sinh có nơi thường trú từ 3 năm trở lên, có nguyện vọng và cam kết sau khi tốt nghiệp về làm việc tại địa phương, học 3 năm và tốt nghiệp THPT tại các khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ được Uỷ ban nhân dân tỉnh cử đi học theo Đề án thu hút học sinh Nam Trung Bộ và Nam Bộ tại ĐHQGHN đạt ngưỡng đầu vào, yêu cầu của ngành/chương trình đào tạo và Đề án được phê duyệt.
2. Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định đặc thù của ĐHQGHN
Xét tuyển thẳng
(1) Học sinh THPT tham dự kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế; trong đội tuyển quốc gia dự cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế; đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia; đoạt giải nhất, nhì, ba trong cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia và đã tốt nghiệp THPT được xét tuyển thẳng vào bậc đại học của ĐHQGHN theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi mà thí sinh đã đoạt giải.
(2) Học sinh THPT trên toàn quốc: Được xem xét tuyển thẳng vào các ngành Khoa học cơ bản, ngành phù hợp của ĐHQGHN phù hợp với môn thi nếu tốt nghiệp THPT, có học lực Giỏi, hạnh kiểm Tốt trong 3 năm học THPT và đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi Olympic bậc THPT của ĐHQGHN;
b) Đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có môn đạt giải thuộc tổ hợp xét tuyển hoặc môn đạt giải phù hợp với ngành đào tạo và điểm trung bình chung học tập bậc THPT đạt từ 8,5 trở lên.
(Học sinh THPT đạt tiêu chí nêu trên trong các năm học ở bậc THPT được bảo lưu kết quả khi ưu tiên xét tuyển vào bậc đại học tại ĐHQGHN)
(3) Ngoài mục 1, 2 học sinh THPT hệ chuyên thuộc ĐHQGHN và hệ chuyên của các trường THPT Chuyên cấp Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung Ương còn được xét tuyển thẳng vào bậc đại học tại ĐHQGHN theo ngành phù hợp với môn thi hoặc nội dung đề tài dự thi mà thí sinh đã đoạt giải nếu tốt nghiệp THPT, có hạnh kiểm 3 năm học THPT đạt loại Tốt và đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
a) Đạt giải chính thức trong các kỳ thi sáng tạo, triển lãm khoa học kỹ thuật khu vực, quốc tế;
b) Đạt giải chính thức trong các kỳ thi Olympic bậc THPT của ĐHQGHN;
c) Đạt giải chính thức trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp ĐHQGHN (Học sinh đạt 1 trong các tiêu chí quy định tại điểm a, b, c nêu trên trong các năm học ở bậc THPT được bảo lưu kết quả khi xét tuyển thẳng vào bậc đại học tại ĐHQGHN)
Ưu tiên xét tuyển
(1) Thí sinh không dùng quyền xét tuyển thẳng được ưu tiên xét tuyển nếu đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành/nhóm ngành/CTĐT trong năm tuyển sinh.
(2) Học sinh THPT trên toàn quốc được ưu tiên xét tuyển vào bậc đại học tại ĐHQGHN nếu tốt nghiệp THPT, có lực học Giỏi, hạnh kiểm Tốt trong 3 năm học THPT và đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
a) Đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi Olympic bậc THPT của ĐHQGHN;
b) Là thành viên tham gia cuộc thi tháng của chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” do Đài truyền hình Việt Nam tổ chức hằng năm và có điểm trung bình chung học tập bậc THPT đạt từ 8.5 trở lên;
c) Đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương có môn đạt giải thuộc tổ hợp xét tuyển hoặc môn đạt giải phù hợp với ngành đào tạo và điểm trung bình chung học tập bậc THPT đạt từ 8,5 trở lên.
(3) Học sinh hệ không chuyên của các Trường THPT thuộc ĐHQGHN được ưu tiên xét tuyển vào bậc đại học tại ĐHQGHN phải tốt nghiệp THPT, có học lực Giỏi, hạnh kiểm Tốt trong 3 năm học THPT và đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
a) Đạt giải chính thức trong các kỳ thi sáng tạo, triển lãm khoa học kỹ thuật khu vực, quốc tế;
b) Đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp ĐHQGHN;
c) Có kết quả thi ĐGNL học sinh THPT còn thời hạn do ĐHQGHN tổ chức đạt tối thiểu 90 điểm (thang điểm 150);
Lưu ý: Các thí sinh diện ưu tiên xét tuyển phải có kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành/nhóm ngành/CTĐT trong năm tuyển sinh (mức điểm xét tuyển cụ thể và các tiêu chí phụ do đơn vị quy định).
Nguyên tắc xét tuyển:
1. Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế của Bộ GD&ĐT
Trong trường hợp số thí sinh đăng ký xét tuyến thẳng và ưu tiên xét tuyển vào một ngành/CTĐT vượt quá số chỉ tiêu quy định, HĐTS sẽ xét trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp các tiêu chí sau: (1) thành tích trong các kỳ thi Olympic hoặc Cuộc thi khoa học, kỹ thuật quốc tế; (2) thành tích kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc cuộc thi Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật quốc gia; (3) điểm trung bình chung 03 năm học bậc THPT.
- Thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa 03 nguyện vọng vào các ngành/chuyên ngành học của Trường (riêng ngành Thiết kế sáng tạo, thí sinh chỉ được đăng ký tối đa 02 chuyên ngành/ hồ sơ) và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Thí sinh chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên cao nhất trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.
2. Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định đặc thù của ĐHQGHN
- Trong trường hợp số thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển vào một ngành/CTĐT vượt quá số chỉ tiêu quy định, HĐTS sẽ xét trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp các tiêu chí sau: (1) thành tích trong các kỳ thi sáng tạo, triển lãm khoa học kỹ thuật khu vực, quốc tế; (2) thành tích kỳ thi Olympic hoặc chọn học sinh giỏi bậc THPT của ĐHQGHN; (3) điểm trung bình chung 03 năm bậc THPT.